Ngược miền kí ức về với một Đà Lạt xưa qua những kỉ vật


Lặng lẽ nằm trong những góc kỉ niệm của các cá nhân rồi lặng lẽ hội tụ trong không gian đầy chất hoài niệm để cùng nhau kể chuyện Đà Lạt một thời đã xa. Không gian trưng bày kỉ vật Đà Lạt là nơi mở ra những khoảng trời kí ức đẹp trên thành phố cao nguyên.

Không gian dinh tỉnh trưởng Tuyên Đức cũ tại số 01 Lý Tự Trọng, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) gợi nhắc hình ảnh Đà Lạt của một thời quá vãng. Con dốc cũ gập ghềnh sỏi đá lượn vòng hình cánh cung “dìu” khách lên đỉnh đồi, vị trí cao nhất khu vực trung tâm thành phố, nơi có 1 dinh thự bề thế được xây dựng vào khoảng những năm 20 của thế kỉ trước, mang phong cách kiến trúc cổ điển Châu Âu. Xung quanh dinh thự là bãi cỏ rộng, hàng cây cổ thụ và những vạt hoa dại vàng rực rỡ khiến khung cảnh thêm phần thanh vắng, mộng mơ. Thời gian càng giống một cuốn phim quay ngược khi khách lần lượt bước vào những căn phòng đầy ắp kỉ niệm, nơi trưng bày các kỉ vật Đà Lạt theo từng chủ đề như: “Nguyên quán”, “Âm trầm”, “Ngược sáng”, “Khoảng lặng”, “Thời ấy” và “Tìm lại”.

Đà Lạt xưa qua những kỉ vật

Đà Lạt xưa qua những kỉ vật

Không gian trưng bày kỉ vật Đà Lạt chính là ngôi nhà chung của những người yêu Đà Lạt.

Nơi mọi người có thể chia sẻ và khám phá một phần kí ức thành phố thông qua những kỉ vật nhuốm màu thời gian. Mỗi kỉ vật là một câu chuyện về Đà Lạt của ngày hôm qua, là yếu tố góp phần tạo nên diện mạo văn hóa và sức hấp dẫn cho thành phố này”.

Với khoảng 1200 kỉ vật, những khía cạnh độc đáo về lịch sử, văn hóa của Đà Lạt lần lượt được tái hiện qua từng không gian trưng bày. Những vật dụng tại căn phòng “Nguyên quán” như điếu hút thuốc lào, bình vôi, nồi đất, bàn thờ, hương án, áo dài, hộp trang sức, tráp cưới hỏi, mâm đồng, nồi đồng, bát đũa, đèn dầu, cân, máy khâu, quần áo… do người Hà Đông, Hà Nội, Huế, người các xứ Nam-Ngãi-Bình- Phú (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên) mang theo khi vào vùng đất này lập nghiệp, rồi cả những vật dụng do người nước ngoài mang tới Đà Lạt những năm đầu thế kỉ 20 cho thấy, Đà Lạt là chốn hội tụ của lưu dân và tinh hoa văn hóa vùng miền. “Ngoài những kỉ vật còn tồn tại cho đến hôm nay, các bậc tiền nhân khi tới Đà Lạt còn mang theo tất cả nét tinh hoa về nghề nghiệp, lối sống, tri thức … để từ đó dung hòa, “gạn đục khơi trong” và nâng lên thành nét văn hóa đặc trưng của người Đà Lạt”- Ông Nguyễn Vũ Hoàng khẳng định.

Vẻ đẹp của tạo hóa, con người cùng điều kiện lịch sử sớm đưa Đà Lạt thành vùng đất phát triển về giáo dục, khoa học và nghệ thuật.

Căn phòng “Âm trầm” với hàng trăm máy nghe nhạc, đĩa than, radio, loa, bản nhạc trong nước và quốc tế được các chủ nhân gìn giữ cẩn thận qua hàng chục năm; cạnh đó là chiếc đàn dương cầm mà cố nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 sử dụng đầu tiên khi ông chập chững đến với âm nhạc; bộ bàn ghế cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẫn ngồi cùng bạn bè ở quán Cà phê Tùng, cả những bản nhạc cũ đậm chất triết lí hiện sinh của đôi tình nhân Lê Uyên Phương…Tất cả cho thấy Đà Lạt là quê hương của nhiều nghệ sĩ tên tuổi, nơi chắp cánh cho nhiều tài năng âm nhạc. Một thời, từ đây những giai điệu đẹp buồn về thân phận và tình yêu đã cất lên cùng những giọng hát đầy quyến rũ đã lay động, ăn sâu trong tâm trí giới mộ điệu cả nước.

Nếu căn phòng “Âm trầm” là thế giới âm nhạc lãng mạn thì ở căn phòng “Ngược sáng”, hàng trăm kỉ vật lại tái hiện thời hoàng kim của kĩ nghệ và nghệ thuật nhiếp ảnh Đà Lạt. Các tác phẩm về thiên nhiên, con người Đà Lạt cách đây hàng chục năm qua tay máy của các nhiếp ảnh gia nổi tiếng như Nguyễn Bá Mậu, Đặng Văn Thông, Trần Văn Châu…. đã trở thành tài liệu lịch sử quý giá, đến nay vẫn là những chuẩn mực về kĩ thuật và cảm xúc trong nghệ thuật nhiếp ảnh.

Người Đà Lạt hôm nay hiểu hơn về những giá trị mà các thế hệ cha ông đã tạo dựng

Trong không gian trưng bày kỉ vật, khách còn gặp những nhân vật đặc biệt, đã từng ghi dấu ấn trong lịch sử phát triển của thành phố như tủ sách của nhà ngôn ngữ và dân tộc học Nguyễn Bạt Tụy (1920-1995), tủ quần áo và một số đồ dùng vật dụng của gia đình Võ Quang Tiềm, chủ hiệu may nổi tiếng Đà Lạt những năm 40 của thế kỉ trước, sau này gia đình ông chuyển sang buôn thuốc lá, rượu và bất động sản rồi trở thành người giầu có bậc nhất Đà Lạt thời Pháp thuộc; bộ sưu tập của cụ Nguyễn Văn Bồng – người dẫn đầu đoàn di dân miền Bắc vào Đà Lạt trồng rau, hoa lập nên ấp Hà Đông, cụ Bồng từng tốt nghiệp ngành canh nông Đại học Paris và là cố vấn văn hóa Hội chấn hưng quốc gia Việt Nam thời chế độ cũ; bộ sưu tập của nhà Đà Lạt học Lê Phỉ, trước năm 1975 là hiệu trưởng trường Việt Anh, một trong những thành viên đầu tiên thành lập nhóm hướng đạo sinh. Ngoài ra, không gian trưng bày còn có nhiều kỉ vật thú vị khác như chiếc ống nghiệm lớn đầu tiên dùng để điều chế vắc-xin của Viện Paster Đà Lạt; bộ đồ nghề làm nữ trang của tiệm vàng MP, tiệm vàng lớn nhất Đà Lạt những năm 60 của thế kỉ trước; chiếc loa báo động máy bay cho người dân Đà Lạt từ thời Pháp thuộc; những bức tranh, gương, bàn ghế đầu tiên được sử dụng trong khách sạn Palace…

Tại không gian trưng bày kỉ vật Đà Lạt, toàn bộ hiện vật đều được các cá nhân tự nguyện đóng góp, nếu không hiến tặng cho trung tâm thì họ vẫn có quyền sở hữu kỉ vật của mình. Trung tâm văn hóa tỉnh Lâm Đồng sẽ đóng vai trò là nơi lưu giữ, bảo quản và giới thiệu kỉ vật của cá nhân tới công chúng. Chính cách làm linh động này đã thu hút đông đảo người dân tham gia. Nhiều người sau khi tham quan và biết được mục đích, ý nghĩa của không gian trưng bày đã tự nguyện mang kỉ vật tới đóng góp, thậm chí có nhiều gia đình gốc Đà Lạt hiện đang sinh sống ở nước ngoài cũng gửi kỉ vật về trưng bày.

Ngắm không gian trưng bày kỉ vật, khách không chỉ ngược miền kí ức để đến với một Đà Lạt trong quá khứ mà còn cảm nhận rõ nét văn hóa tinh tế của người Đà Lạt, đặc biệt là thái độ trân trọng của người Đà Lạt về lịch sử và quá khứ của thành phố thông qua những kỉ vật mà họ đã giữ gìn, nâng niu và chia sẻ trong một không gian đẹp và đầy chất hoài niệm. Đó cũng là cách để các người Đà Lạt hôm nay hiểu hơn về những giá trị mà các thế hệ cha ông đã tạo dựng, từ đó cùng nhau giữ gìn và phát huy những di sản văn hóa tốt đẹp của Đà Lạt.

dalat-info

4.7/5 – (3 bình chọn)

Di sản


Source link

0/5 (0 Reviews)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *