“Các điểm du lịch tự phát tại mỏ đá cũ (Tuyệt Tình Cốc) và hoạt động chở khách “chui” trên hồ Suối Vàng chúng tôi sẽ xử phạt nặng, đồng thời tính toán, đánh giá lại một số khu vực tiềm năng để quy hoạch phát triển du lịch” – vị lãnh đạo huyện Lạc Dương chia sẻ.
Thời gian qua, trên địa bàn huyện Lạc Dương xuất hiện một số điểm du lịch tự phát, thu hút rất nhiều bạn trẻ, những người mê du lịch tự do, khám phá tìm tới. Tuy nhiên, chính sự phát triển nóng, rầm rộ trong thời gian ngắn của các điểm du lịch tự phát đã làm cơ quan quản lý nhà nước không kịp trở tay và đã xuất hiện nhiều nguy cơ về an toàn, trật tự, vệ sinh môi trường…
NỘI DUNG CHÍNH
Làm kinh doanh theo trào lưu chụp ảnh của du khách
Điển hình là từ cuối năm 2017 tới nay, một mỏ đá sau khai thác thuộc thôn Suối Cạn, xã Lát (huyện Lạc Dương), cách trung tâm TP Đà Lạt khoảng 45 km gần như không ai biết tới bỗng chốc trở thành cơn sốt du lịch của các bạn trẻ. Tại đây có hẳn một đoàn xe ô tô hùng hậu, chuyên chở khách tham quan với giá 150.000 đồng/người cho quãng đường đất vào mỏ đá khoảng 7 km, bên cạnh đó là các dịch vụ cho thuê bè gỗ trên mặt nước để khách chụp hình, quán nước, đồ ăn… không khác mấy so với một địa điểm du lịch thông thường.
Nắm bắt tâm lý du khách với cái tên thật “kêu”
Do mỏ đá bị bỏ hoang lâu ngày nên nước mưa cũng như các mạch nước ngầm chảy xuống đã tạo nên một hồ nước trong xanh khá đẹp mắt và một số người tự đặt tên là “Tuyệt tình cốc” để thu hút sự hiếu kỳ trên mạng xã hội. Theo ghi nhận của chúng tôi, mỗi ngày cao điểm có khoảng 400-500 lượt người vào mỏ đá để chụp ảnh lưu niệm, còn ngày bình thường không dưới 100 lượt người.
Khai thác thiên nhiên sẵn có làm du lịch
Cách hồ đá khoảng 10 km, cũng thuộc địa phận xã Lát (huyện Lạc Dương), lâu nay một số người dân lại làm xuồng tự chế, có gắn động cơ, thường xuyên chở du khách tham quan, chụp hình ở hồ Suối Vàng. Theo người dân địa phương, hoạt động chở khách tham quan trên hồ đã diễn ra từ nhiều năm qua. Có thời điểm một số người còn sử dụng thuyền loại 3,5 tấn để vận chuyển khách tham quan “chui” trên hồ bị lực lượng chức năng của huyện Lạc Dương bắt giữ, lập biên bản xử phạt, nhưng một số xuồng loại nhỏ vẫn chở khách bình thường từ bãi Tiên Sa và một số bến đò tự phát qua lại hai bên bờ hồ Suối Vàng. Điều đáng lo ngại là loại hình chở khách nêu trên không tuân thủ điều kiện tiêu chuẩn cụ thể nào, đặc biệt là thời điểm trời mưa, gió mạnh, rất khó để lường trước được mức độ an toàn.
Theo quan sát, các phương tiện này đã vô tư đón, trả khách từ bến đò tự phát nằm ở khu vực Bãi Tiên Sa, sau đó đưa khách về hướng thượng nguồn của hồ – nơi quả đồi có cây thông “cô đơn” nổi tiếng nằm đối diện với Nhà máy nước Đan Kia – Suối Vàng, để tham quan, chụp hình. Điều đáng nói, hầu hết các phương tiện đang hoạt động “chui” trên hồ đều không cho du khách (kể cả tài công) mặc áo phao, dù di chuyển qua lòng hồ rộng, luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro…
Cơ quan chức năng lên tiếng
Trao đổi với Báo Lâm Đồng, ông Cil Poh – Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương cho biết, mới đây, vào ngày 20/8, UBND huyện Lạc Dương đã có công văn yêu cầu Công an huyện, Phòng Văn hóa Thông tin, UBND xã Lát kiểm tra hoạt động du lịch tự phát tại khu vực hồ đá Công ty 7/5 cũ, thuộc Tiểu khu 110, dọc tuyến đường ĐT 722 (hay còn gọi là dốc Chuồng bò). Trong đó, UBND huyện chỉ đạo UBND xã Lát chủ trì phối hợp lập biên bản, tịch thu toàn bộ các dụng cụ xuồng, bè tự chế… Đặc biệt là việc cắm biển báo nguy hiểm, cấm lại gần, đồng thời dùng dây rào chắn quanh khu vực hồ nước, không để người dân và du khách vào trong.
Một lãnh đạo UBND huyện Lạc Dương nhận định, việc cắm biển, căng dây hạn chế người dân vào hồ đá cũ, thôn Suối Cạn nhằm đảm bảo toàn an cho du khách, giữ an ninh trật tự, vệ sinh môi trường. Đặc biệt là việc tuyên truyền cho người dân cần tuân thủ các quy định của pháp luật khi kinh doanh các dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí, vận chuyển.
Báo Lâm Đồng
Source link